CEO của 40 công ty Mỹ lập nhóm đặc nhiệm giúp Ấn Độ chiến đấu với Covid-19
Các lãnh đạo của 40 công ty hàng đầu tại Mỹ đã bắt tay lập nhóm đặc nhiệm toàn cầu nhằm huy động nguồn lực giúp người dân và chính phủ Ấn Độ chiến đấu chống lại “quái vật” Covid-19.
Giữa lúc Ấn Độ đối mặt với thảm kịch Covid-19, trong động thái thể hiện tình đoàn kết với quốc gia Nam Á, các giám đốc điều hành của khoảng 40 công ty hàng đầu tại Mỹ vào cuộc để trợ giúp chính phủ và người dân Ấn Độ sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Đây là sáng kiến chung của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn (USIBC) thuộc Phòng Thương mại Mỹ), Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ-Ấn (USISPF) và Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh, được đưa ra trong cuộc họp hồi đầu tuần này. Nhóm này được gọi là Lực lượng Đặc nhiệm Toàn cầu về ứng phó với đại dịch: huy động mọi nguồn lực hỗ trợ Ấn Độ.
Nhóm có nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ cấp thiết như vật dụng y tế quan trọng, vắc xin, máy trợ thở và các hỗ trợ khác, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia Ấn Độ không ngừng gia tăng một cách đáng lo ngại.
“Các công ty của Mỹ đã cùng bắt tay giúp Ấn Độ. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình… Nhiệm vụ trước mắt là chuyển đến 20.000 máy tạo ôxy cho Ấn Độ trong vài tuần tới”, CEO của công ty công nghệ hàng đầu Deloitte, ông Puneet Renjen, nói với hãng tin PTI.
Đây cũng là nhóm đặc nhiệm toàn cầu đầu tiên của Mỹ dành cho một quốc gia cụ thể trong chiến dịch đối phó cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng ở một quốc gia khác.
Trong một cuộc trò chuyện, Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken ủng hộ sáng kiến này, cho rằng điều đó cho thấy Mỹ và Ấn Độ có thể trông đợi rất nhiều vào các ngành kinh tế tư nhân trong khi tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Covid-19 của Ấn Độ.
Ông Renjen cho hay, 1.000 máy tạo ôxy đầu tiên sẽ đến Ấn Độ vào giữa tuần này và cho đến ngày 5/5, sẽ có thêm 11.000 máy nữa. “Mục tiêu của chúng tôi là có 25.000 máy, và thậm chí có thể nhiều hơn nữa”, ông nói thêm.
Theo ông Renjen, vấn đề cần kíp nữa là tìm kiếm các bình ôxy có dung tích 10 lít và 45 lít cũng như các thiết bị y tế quan trọng khác như bộ dụng cụ giám sát.
Ngoài các CEO công nghệ, giám đốc điều hành nhiều công ty thuộc các ngành khác từ lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử, dược phẩm, công nghiệp cho đến các đơn vị sản xuất lớn khác cũng tham gia chiến dịch.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch và giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Suzanne Clark nói: “Cuộc khủng hoảng lần này cần một phản ứng toàn cầu, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp Mỹ không thể ngó lơ mà cần quyết tâm hơn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”.
Các công ty trong nhóm đặc nhiệm trên đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Taranjit Singh Sandhu trong mọi việc.
“Đầu tuần, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ đã cung cấp cho chúng tôi danh sách các mặt hàng cần thiết”, CEO Renjen cho biết. Danh sách bao gồm máy trợ thở, máy tạo ôxy, hai loại thuốc cần thiết để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Ngoài ra, Đại sứ Sandhu cũng mong muốn chính phủ Mỹ có thể cung cấp thêm bộ dụng cụ giám sát và mở rộng đường cung cấp nguyên liệu quan trọng để sản xuất vắc xin Covid-19 cho Ấn Độ.
- 4 phút một người chết, Ấn Độ 3 ngày liên tiếp có số ca nhiễm covit 19 cao kỷ lục
- 40 nhân viên y tế Malaysia mắc Covid-19 dù tiêm đủ 2 liều vaccine
- “Sốt” đất hạ nhiệt: Giá bất động sản cắm đầu lao dốc?
- Tài xế “ma men” đấm chảy máu mặt 2 cảnh sát giao thông
- Làm thế nào để xác định lối thoát nạn an toàn khi có cháy?