Đọc truyện kiếm hiệp: Bích Huyết Kiếm
Hồi 6: Đem Trả Vàng Thừa Chí Vào Đất Lạ
Thừa Chí thấy võ công của Ôn Thanh như vậy có thể liệt vào hạng nhất hào kiệt giang hồ, nhưng sao hành vi của chàng lại điêu đứng kỳ lạ đến thế, nên chàng vừa bực mình vừa tức cười lắc đầu mấy cái mới quay trở lại thuyền, gói số vàng đó lại rồi chắp tay chào Đức Lân mà lên đường.
Vào trong thành Từ Châu chàng đến phố lớn kiếm một khách sạn lớn rộng để ở.
Sau khi vào buồng rửa mặt xong, chàng nghĩ thầm: “Nếu không trả được nghìn lạng vàn này cho chàng nọ, lòng ta yên sao đành. Vì thấy chàng ta tội nghiệp như vậy ta mới ra tay trợ giúp chứ ta có định lấy thù lao gì đâu. Nếu ta nhận số tiền này sẽ mất tên tuổi của ta liền, cũng may y là người của phái Thạch Lương, phái đó lại ở ngay nơi đây ta đỡ phải đi đâu tìm kiếm nữa. Ta đem số vàng này đến tận nhà y trả dù y không nhận ta cũng bỏ đấy đi luôn. Như vậy có phải tiện không?”
Sáng ngày hôm sau chàng hỏi đường lối đi Thạch Lương rồi liền về khách điếm đem gói vàng đi trả.
Thạch Lương cách Từ Châu hơn hai mươi dặm, Thừa Chí đi tắt rất nhanh nửa tiếng đồng hồ sau đã tới liền. Thạch Lương là một thị trấn nho nhỏ ở gần núi Lan Kha, theo lời đồn thì núi đó xưa kia có một tiều phu lên hái củi. Khi người tiều phu ấy đi sâu vào trong núi liền gặp hai ông tiên ngồi đánh cờ với nhau, chàng tiều phu đứng cạnh đó xem. Xem xong ván cờ của hai ông tiên, chàng quay đầu lại nhìn thấy cán búa đã mục nát và khi chàng ta về đến nhà, người nhà và lối xóm đều khác hẳn, thì ra chàng ta vào núi xem có một ván cờ mà đã qua được mấy chục năm. Núi Lan Kha là hai ngọn núi liên kết thành hai bên đỉnh núi cách nhau mấy chục trượng, ở giữa có một cây cầu đá như là sà ngang của một căn nhà vậy. Cầu này tựa như mọc liền với đỉnh núi, sức người không thể nào mà xây được một cái cầu như vậy, cho nên các bô lão ở địa phương vẫn đồn đại cầu đó là do thần tiên dùng pháp thuật bắt lên, trông nó như một cái sà nhà nên mới có cái tên Thạch Lương như vậy. Thừa Chí đi tới đó thấy một nông phu ở đằng xa đi tới, chàng vội tiến lên hỏi thăm:
– Thưa đại ca, xin hỏi nhờ đại ca nhà họ Ôn ở đâu thế?
Nông phu đợi nghe chàng hỏi xong liền giật mình kinh hãi đáp:
– Tôi không biết, tôi không biết!
Vẻ mặt người ấy trông rất khó coi, hình như khinh bỉ Thừa Chí vậy rồi người đó quay người đi sang phía khác ngay.
Thừa Chí đi tới một tiệm bán chạp phô liền vào hỏi thăm người chưởng quầy, ngờ đầu người chưởng quầy đó lại lạnh lùng đáp:
– Lão huynh tìm nhà họ Ôn làm chi?
– Tôi muốn trao trả cho họ một vật này.
– Nếu vậy lão huynh là bạn của nhà họ Ôn rồi hà tất phải hỏi thăm mỗ làm chi.
Thừa Chí lại bị hắt hủi một lần nữa liền nghĩ thầm: “Sao dân chúng ở đây lại vô lễ đến như thế?”
Chàng lại thấy hai thằng nhỏ đang đùa giỡn ở giữa đường liền móc túi lấy mười mấy đồng tiền ra nhét vào tay một thằng nhỏ và hỏi:
– Cậu em đưa anh đến nhà họ Ôn đi.
Thằng nhỏ bỗng dưng được tiền mừng rỡ vô cùng, nhưng khi nó nghe thấy Thừa Chí nói xong liền trả lại tiền cho chàng và đáp:
– Thúc thúc muốn đến nhà họ Ôn ư? Căn nhà lớn đó chả lạ nhà của chúng là gì, chúng em không thích đi đến chỗ ma quỷ ấy.
Tới lúc đó Thừa Chí mới vỡ lẽ thì ra họ Ôn rất thất nhân tâm nên người lối xóm không ai thèm liên lạc với gia đình họ cả, chứ không phải là dân ở đây vô lễ như chàng tưởng tượng đâu.
Chàng đi đến căn nhà đồ sộ mà thằng nhỏ vừa chỉ cho, xa xa đã nghe thấy tiếng người nói ồn ào, chàng vội ráo cẳng bước lên, khi tới gần thấy mấy trăm nông dân, người cầm bừa kẻ cầm thuổng, vây chặt chiếc cửa lớn tiếng quát tháo:
– Các người đánh chết ba mạng như vậy mà không thèm nói nửa lời hay giải quyết ra sao bỏ đi về luôn. Họ Ôn kia có mau ra thường mạng không?
Trong đám nông dân có bảy tám người đàn bà đầu tóc rũ rượi đang ngồi dưới đất khóc bù lu bù loa.
Thừa Chí tới gần hỏi thăm một người nông dân rằng:
– Đại ca, các vị ở đây làm gì thế?
Người nông dân ấy đáp:
– Chắc tướng công là người qua đường nên không biết chuyện, người nhà họ Ôn này hung ác bá đạo lắm, hôm qua người của chúng về làng thâu tiền tô, ông cụ nhà họ Trinh yêu cầu y cho thư thả vài ngày để thu xếp trả, thế là người nhà y đẩy mạnh ông cụ ấy té ngã, đầu đập vào tảng đá lớn chết ngay tại chỗ, con trai và cháu ông cụ ra bắt thường mạng đều bịn người của chúng đánh đến bị thương nặng. Đấy tướng công xem người nhà này thị giàu có và biết võ đánh chết người bỏ đi không thèm nói năng nửa lời, tướng công bảo chúng tôi nhịn sao nổi⬦
Trong khi hai người nói chuyện với nhau thì những người kia càng la rầm rộ thêm, có người lại đập cửa, có người ném đá vào bên trong như muốn phá cửa nhà họ Ôn vậy.
Đang lúc ấy cánh cửa lớn bỗng mở toang, một bóng người ở bên trong phi ra, mọi người chưa trông thấy rõ thì đã có bảy tám người nông dân bị người đó ném ra ngoài xa hai ba trượng vỡ đầu, sứt tai, máu chảy lai láng liền.
Thừa Chí thấy vậy nghĩ thầm: “Võ công của người này cũng khá cao siêu đấy.”
Chàng vừa nghĩ vừa đưa mắt nhìn thấy người đó vừa gầy vừa cao, mặt vàng khè hai mắt xếch ngược, hai bên thái dương huyệt gồ cao, chỉ trông bề ngoài cũng đủ biết người đó là một tay có nội gia rất cao siêu rồi.
Người gầy gò ấy liền quát lớn:
– Các ngươi heo chó kia, còn đến đây ăn vạ phải không?
Bọn nông dân chưa kịp trả lời lại bị y tiến lên túm mấy người ném đi nữa.
Thừa Chí thấy người đó túm người ném đi như vậy không khác gì ném người rơm hay người giấy vậy, không tốn một chút hơi sức nào hết, chàng lại nghĩ tiếp: “Không biết người này có liên can với Ôn Thanh không, nếu bữa nọ y đi cùng với Ôn Thanh thì bọn Vinh Thái đã chịu không nổi rồi, chả cần ta phải ra tay giúp sức nữa.”
Bỗng có một người trung niên và một người thanh niên ở trong bọn nông dân vội tiến lên nói:
– Các ngươi đánh chết người rồi bỏ đi luôn, coi mạng người như mạng gà vậy, chúng ta tuy nghèo nhưng chúng ta cũng là người chứ có phải súc vật đâu.
Người gầy gò và cao kia nghe thấy người nông dân nói như thế liền cười nhạt:
– Nếu không đánh cho mấy tên chết ngay tại chỗ thì các ngươi chưa biết thân.
Nói xong, y lại túm lưng người trung niên nọ thuận tay ném luôn vào góc tường ở bên kia Đông, hai thanh niên thấy vậy vừa kinh hãi vừa tức giận song song giơ cuốc lên nhắm đầu y chém luôn. Chỉ thấy y giơ tay trái lên gạt một cái, hai cái cuốc của hai thanh niên kia bị hất bắn ra xa đồng thời y lại chộp lưng của hai thanh niên đó mà ném luôn vào tảng đá lớn ở trước cửa để cắm cột cờ.
Thừa Chí thấy người nọ hà hiếp đám nông dân và đả thương người một cách vô lý như vậy trong lòng đã tức giận, nhưng chàng là người thận trọng không muốn can thiệp việc của người, chỉ muốn đợi cho việc của họ lo dàn xếp xong xuôi là mình tiến lên yêu cầu Ôn Thanh để trao trả số vàng rồi lên đường đi ngay. Ngờ đâu, người gầy gò và cao kia đã ra tay hạ sát thủ, muốn ném chết ba người nọ liền. Chàng động lòng công phẫn và hiệp nghĩa không còn suy nghĩ gì nữa liền phi thân tới giơ tay trái ra chộp vào đùi phải của người nông dây trung niên lôi trở lại và thuận tay đặt người đó đứng xuống đất. Rồi chàng lại phi thân tới nhanh như điện chớp chộp luôn lưng của hai thanh niên nông dân và khẽ đặt họ xuống dưới đất, sở dĩ chàng nhảy tới kịp để cứu hai người thanh niên này là nhờ ở nhu môn khinh công Nhạc vương Thần Tiên của Mộc Tang đạo nhân truyền thụ cho, môn khinh công này có thể nói là nhanh nhất thiên hạ.
Đáng lẽ chàng không giở môn khinh công này ra để khoe khoang hay làm cho người khác kinh ngạc đâu, nhưng vì thấy tình thế cấp bách như vậy mới phải sử dụng tới môn khinh công này để cứu hai thanh niên kia thoát nạn. Chàng cũng biết ra tay cứu ba người này như vậy, người gầy gò và cao kia thế nào cũng hận mình nhưng chàng đã biết địa điểm của nhà họ Ôn rồi, nếu người gầy gò và cao này giận mình không cho gặp Ôn Thanh thì chàng sẽ chờ đến đêm khuya đem đến trả lại số vàng. Chàng đặt hai thanh niên nọ đứng xuống xong liền quay mình định đi. Ba người nông dân thoát chết cứ đứng đờ người ra không nói được nửa lời vậy.
Người gầy gò và cao kia thấy võ công của Thừa Chí cao siêu như vậy kinh ngạc vô cùng liền nghĩ thầm: “Ta ném ba người kia thủ pháp rất nhanh và lại ném đi hai phương hướng khác nhau, người này ra tay sau mà lại tới trước nhất cứu được người nọ, không biết y là người của môn phái nào? Sao lại có võ công lợi hại đến thế?”
Nghĩ đoạn, y vội chạy tới gần giơ tay lên định vỗ vai Thừa Chí và nói:
– Bạn kia hãy khoan đã.
Y dùng Đại Lực Thiên Cân, một nội gia rất mạnh vỗ vào vài của Thừa Chí, ngờ đâu Thừa Chí không tránh né gì hết chỉ hơi trầm vai xuống thôi đã hóa giải được sức lực của đối phương liền. Nhưng chàng không vận sức phản công lại và làm như không hay biết gì hết. Người gầy gò và cao kia thấy vậy càng kinh hãi thêm vội hỏi tiếp:
– Có phải bọn người kia mời các hạ đến đây làm khó dễ chúng tôi phải không?
Thừa Chí chắp tay chào và đáp:
– Xin lỗi bạn bởi vì tôi không muốn có án mạng phiền phức lắm cho nên mới dám đường đột ra tay đỡ họ như thế, lão huynh tài như vậy, chấp nhất bọn người nhà quê để làm gì.
Người nọ thấy Thừa Chí ăn nói khiêm tốn như vậy và còn khen ngợi y ở trước mặt mọi người như thế, nên y nguôi cơn giận liền và hỏi tiếp:
– Các hạ quý tính danh là gì? Đến tệ xá có việc gì thế?
– Tại hạ họ Viên có một người bạn họ Ôn không biết có phải ở trong quý phủ không?
– Đệ cũng họ Ôn không biết các hạ kiếm ai thế?
– Người bạn của tại hạ tuổi chừng mười tám, mười chín, mặt rất đẹp trai, mặc áo thư sinh.
Người nọ gật đầu mấy cái rồi quay lại quát bảo mấy chục nông dân hãy còn đứng đó rằng:
– Các ngươi còn đứng đấy làm chi không mau cút đi
Bọn nông dân thấy Thừa Chí lại làm quen với kẻ thù mà võ công của hai người lại rất lợi hại, nên bọn chúng không dám ở lại nữa, liền giải tán ngay.
Chờ bọn nông dân đi khỏi, người nọ liền mời Thừa Chí vào trong nhà uống nước.
Thừa Chí theo y đi vào bên trong tới một đại sảnh rộng ba gian ở giữa có treo một tấm bảng lớn trên đề “Thế Trạch Niên Trưởng.”
Đại sảnh này trưng bầy rất lịch sự trông như khách sảnh của một đại thân hào vậy. Người gầy gò mời Thừa Chí ngồi và bảo người nhà bưng nước ra mời chàng uống.
Người đó hỏi thăm sự thế và xuất thân của Thừa Chí ra sao, thái độ của y tuy rất lễ phép nhưng Thừa Chí vẫn nhận thấy mặt y có vẻ hằn học, chàng vội nói sang chuyện khác và hỏi người nọ rằng:
– Lão huynh làm ơn mời hộ Ôn Thanh tướng công ra đây, đệ có một vật này cần phải trao trả cho Ôn tướng công ngay.
– Ôn Thanh là xá đệ, đệ là Ôn Chính. Xá đệ vừa đi vắng, mời Viên huynh hãy ngồi chơi trong chốc lát, y sắp về liền.
Thừa Chí không muốn kết giao với những kẻ có hành vi bất chính và hà hiếp người làng này, nhưng vì đợi chờ Ôn Thanh về nên bắt buộc chàng phải ngồi ở lại.
Chờ đến giữa trưa vẫn chưa thấy Ôn Thanh về, Thừa Chí lại không muốn trao số vàng lớn như thế này cho người khác, nên cứ phải ở lại chờ thêm.
Ôn Chính sai người nhà dọn cơm ra mời Thừa Chí ăn, thức ăn rất phong phú và ngon miệng lắm.
Chờ đến chiều mặt trời đã bắt đầu lặn, Thừa Chí nóng lòng sốt ruột nghĩ thầm: “Đằng nào nơi đây cũng là nhà của Ôn Thanh rồi, ta cứ gửi lại số vàng này cho Ôn Chính để chuyển giao hộ cũng được, việc gì mà phải đợi chờ Ôn Thanh nữa.”
Nghĩ đoạn, chàng liền cởi bọc vàng đeo ở trên vai xuống để lên trên mặt bàn rồi nói với Ôn Chính rằng:
– Bọc đồ này của lệnh đệ nhất phiền Ôn huynh trao trả hộ, muộn lắm rồi đệ phải cáo từ đây.
Đang lúc ấy bên ngoài có tiếng cười khúc khích vọng tra, tiếng cười đó là tiếng cười của mấy thiếu nữ. Tiếp theo đó cửa ngoài đã hé mở, Thừa Chí đã nghe thấy có tiếng cười, tiếng nói của Ôn Thanh, trong lòng mừng thầm.
Ôn Chính liền nói:
– Xá đệ đã về đấy.
Nói xong, y liền đi ra luôn. Thừa Chí cũng vội theo ra, y cản chàng lại và nói tiếp:
– Mời Viên huynh ngồi đây đợi chờ giây lát.
Thấy hành động của Ôn Thanh có vẻ huyền bí, chàng đành phải ngừng bước, lạ thật chàng chờ mãi không thấy Ôn Thanh vào mà chỉ thấy Ôn Chính quay trở vào nói:
– Các hạ ngồi chờ thêm một lát nữa, xá đệ thay áo xong ra liền.
Thừa Chí nghĩ thầm: “Ôn Thanh ỏn a ỏn ẻn, không khác gì một người đàn bà vậy, tiếp khách thôi mà cũng phải thay áo.”
Một lát sau, Ôn Thanh đã thủng thẳng bước ra, vẻ mặt tươi cười và nói:
– Viên huynh đại gia giáng lâm thực hân hạnh cho đệ vô cùng.
Thừa Chí đáp:
– Ôn huynh bỏ quên gói đồ đó, đệ đem đến hộ.
Ôn Thanh vẻ hờn giận hỏi lại:
– Có phải Viên huynh khinh thường không?
– Đệ đâu dám, thôi đệ xin cáo lui đây.
Thừa Chí nói xong, đứng dậy chào Ôn Chính và Ôn Thanh định đi. Ôn Thanh đã nắm tay áo chàng và nói:
– Không cho anh đi.
Thừa Chí ngạc nhiên vô cùng, và mặt chàng hơi biến sắc, Ôn Thanh lại tiếp:
– Đệ có một việc rất cần muốn hỏi Viên đại ca hôm nay, mời đại ca ở lại đây nghỉ ngơi một hôm đã.
Thừa Chí đáp:
– Đệ ở Từ Châu đang có việc đợi chờ đệ về ở đó giải quyết, cảm ơn Ôn huynh đã có lòng tốt như vậy.
Ôn Thanh nhất định không nghe. Ôn Chính liền xen lời nói:
– Viên đại ca đã mắc bận, hiền đệ không nên giữ Viên đại ca ở lại như vậy.
Ôn Thanh nói giọng hờn giận đáp:
– Được, Viên huynh muốn đi cứ việc đi đi nhưng gói đồ này Viên huynh cũng làm ơn đem cả đi. Huynh không chịu ở lại nhà đệ thì đệ biết huynh khinh thường đệ.
Thừa Chí ngẫm nghĩ giây lát rồi đáp:
– Nếu Ôn huynh có hậu ý như vậy thì không dám từ chối nữa.
Ôn Thanh cả mừng liền bảo người nhà làm điểm tâm. Ôn Chính có vẻ không vui nhưng vẫn ở đấy tiếp chứ không chịu rút lui. Thừa Chí không hợp chuyện với y, chàng chỉ nói với Ôn Thanh thôi, vì thế y chỉ thỉnh thoảng đá gạ một câu thôi. Như vậy mà y vẫn chưa chịu rút lui đi vào trong nhà.
Ôn Thanh nói đến thi thơ, với môn này Thừa Chí không thạo lắm, sau nói đến binh pháp, chàng thuộc làu như cháo. Biết tánh chàng rồi, Ôn Thanh cứ đem những trận đấu xưa kia ra để đàm luận hoài. Thừa Chí rất kính phục và nghĩ thầm: “Tính nết của người này tuy kỳ lạ thực nhưng về học vấn y lại biết rộng lắm⬦”
Ôn Chính chỉ giỏi về võ công thôi, chứ văn học thì y không biết một tí gì nên càng nghe tỏ vẻ chán nản, nhưng vẫn ngồi lì ra đó. Thừa Chí thấy vậy ngượng vô cùng, lại phải đem võ học ra đàm luận với y vài câu. Ôn Chính đang định đáp thì Ôn Thanh đã xen lời vào nói sang chuyện khác liền. Thừa Chí thấy vậy cũng lấy làm ngạc nhiên vô cùng, Ôn Chính tuy là anh nhưng có vẻ kiêng nể Ôn Thanh lắm, thỉnh thoảng bị người em trách mắng một vài câu, y chỉ cười thôi chứ không dám giận dữ gì cả, khi nào y thấy Ôn Thanh tươi cười thì y lại tỏ vẻ khoái chí và cười theo.
Mâm rượu nhà họ Ôn khoản đãi Thừa Chí tối hôm đó rất thịnh soạn. Cơm nước xong, Thừa Chí liền nói:
– Ngày hôm nay đi đường hơi mệt mỏi một chút, đệ muốn được nghỉ ngơi sớm.
Ôn Thanh đáp:
– Tệ xá ở chốn quê nay được Viên huynh đại gia giáng lâm đang muốn chuyện trò một đêm với huynh để được học hỏi thêm, nếu huynh thấy mệt thì để ngày mai hãy nói vậy.
Thấy người em vừa nói dứt, Ôn Chính đã lên tiếng nói ngay:
– Đêm nay mời Viên huynh sang phòng để ngủ với đệ.
Ôn Thanh vội đỡ lời:
– Thôi không cần đại ca tiếp khách của đệ, tối nay Viên huynh ngủ phòng đệ thì hơn.
Ôn Chính bực mình không chào cáo từ gì hết hậm hực đứng dậy đi thẳng vào nội thất ngay. Ôn Thanh cũng nổi giận nói thêm:
– Hừ, chả biết lễ phép gì hết không sợ người ta chê cười.
Thừa Chí thấy hai anh em chàng ta cãi vã nhau như vậy trong lòng không yên liền nói:
– Đệ ở quen chốn thôn dã rồi, Ôn huynh khỏi phải bận tâm cho đệ vấn đề ăn nằm đó.
Ôn Thanh mỉm cười đáp:
– Thôi được, đệ không bận tâm nữa.
Nói xong, chàng cầm cây nến đưa Thừa Chí đi vào nội thất, đi qua hai cái sân vào tới lớp thứ ba liền lên lầu đến trước một căn phòng, Ôn Thanh vừa mở cửa phòng ra, Thừa Chí đã ngửi thấy mùi thơm xông ra và chàng thấy trong phòng đang thắp một ngọn nến dở, phòng này bày biện lịch sự lắm, màn the trướng gấm có thêu một con phượng hoàng. Trên vách có treo một bức tranh mỹ nữ đó, trên mặt bàn bày nghiên bút, ống bút có sáu bảy cây đủ các cỡ. Kỷ chè ở bên phía tây có bày một chậu thủy tiên. Trước cửa sổ có treo một cái giá, trên giá có đậu một con anh vũ trắng. Từ khi hạ sơn đến giờ, Thừa Chí chưa hề thấy một căn phòng nào lịch sự như thế này, nên chàng cứ đứng đờ người ra ngắm nghía, Ôn Thanh thấy vậy vừa cười vừa nói:
– Đây là phòng ngủ của tiểu đệ, chật hẹp và sơ sài lắm, mời huynh hãy khuất giá một đêm.
Không đợi chờ Thừa Chí có bằng lòng hay không, chàng đã quay người đi ra luôn.
Thừa Chí ở trong phòng nhìn bốn xung quanh một lượt thấy không có điều gì khác lạ mới yên tâm, chàng đang định cởi áo đi nghỉ thì bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa rất khẽ, chàng liền hỏi:
– Ai đó?
Một con sen tuổi trạc mười năm, mười sáu mặt mũi thanh tú và khôn ngoan lanh lợi, tay bưng một cái mâm bước vào nói:
– Mời Viên thiếu gia xơi một chút điểm tâm.
Nói xong, nàng ta để cái mâm xuống bàn. Thừa Chí thấy trong mâm để một bát tần yến. Tuy chàng là con của một Đề đốc và Thống soái, nhưng chàng ở quê trưởng thành, ở trong thôn quê chưa hề thấy bao giờ nên không biết là vật gì.
Đồng thời lần đầu tiên chàng nói chuyện với một thiếu nữa nên hổ thẹn vô cùng, hai má đỏ bừng, con tiểu hoàn ấy thấy vậy vừa cười vừa nói tiếp:
– Tên cháu là Nguyệt Hoa, thiếu gia cháu bảo cháu đến đây hầu hạ Viên thiếu gia. Viên thiếu gia có việc gì sai bảo cứ việc gọi tên cháu là được rồi.
Thừa Chí đáp:
– Không có việc gì hết.
Tiểu hoàn vái chào đi ra nhưng khi ra tới cửa nàng lại quay đầu nhìn Thừa Chí tủm tỉm cười và nói tiếp:
– Chính tay thiếu gia tôi xuống bếp làm bát yến này để Viên thiếu gia xơi.
Thừa Chí ngạc nhiên vô cùng không biết trả lời như thế nào cho phải. Nguyệt Hoa thấy vậy lại cười một tiếng nữa rồi mới đi hẳn. Thừa Chí cởi quần áo ngoài ra trèo lên giường đi ngủ, thấy chăn màn thơm tho vô cùng khiến chàng như say như mê nên chỉ trong giây lát, chàng đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Ngủ đến giữa đêm, ngoài cửa sổ bỗng có tiếng cười khì, chàng giật mình thức tỉnh, rồi chàng lại nghe thấy có người khẽ gõ vào cánh cửa sổ hai tiếng và có tiếng người khẽ cười:
– Gió mát trăng thanh như thế này, Viên huynh là người tao nhã không ra thưởng thức thì thực uổng một phong cảnh đẹp như tranh vẽ này.
Thừa Chí đã nhận ra đó là tiếng nói của Ôn Thanh, chàng thấy ánh sáng trăng sáng rực và ngoài cửa có một người đang đu ngược, đầu dưới, chân trên treo lơ lửng ở trước cửa sổ và ngó vào trong phòng, thấy vậy Thừa Chí vội nói:
– Vâng, để tôi mặc quần áo sẽ ra ngay.
Nói xong, chàng vội vàng mặc quần áo vào và giấu con dao găm ở trong người phòng bị. Chàng vừa đẩy cánh cửa sổ ra thì có một luồng gió đưa mùi hoa thơm vào.
Bây giờ chàng mới hay bên ngoài là một cái vườn hoa.
Ôn Thanh khẽ nhảy xuống đất và rỉ tai chàng nói:
– Viên huynh theo tôi đến đằng này.
Thừa Chí thấy chàng ta tay cầm một cái rổ không hiểu chàng ta mang theo cái đó để làm gì, nhưng không dám nói. Hai người cùng vượt tường đi ra bên ngoài cùng giở khinh công tiếng thẳng về phía hậu sơn, khi sắp tới đỉnh núi lại vòng hai con đường cong quẹo liền tới một chỗ bốn xung quanh trồng hoa đang long lanh dưới ánh sáng trăng, Thừa Chí thì trông thấy rõ một bên trồng hoa mai quế màu trắng và một bên trồng hoa mai quế màu vàng, liền khen ngợi rằng:
– Nơi đây là tiên cảnh chắc?
Ôn Thanh đáp:
– Những hoa này là do tay đệ trồng hết, nơi đây chỉ có má của tiểu đệ với con tiểu hoàn là được lui tới thôi.
Nói xong, chàng cầm cái rổ từ từ đi đến gần những luống hoa. Thừa Chí đi theo sau cũng cảm thấy thích thú vô cùng.
Ôn Thanh đưa Thừa Chí tới một cái đình nhỏ, chàng ta liền mời Thừa Chí ngồi ở trên tảng đá rồi mở cái rổ ra lấy một ấm rượu và hai cái chén bầy lên trên mặt đá và rót đầy hai chén rượu đó mới nói:
– Xin lỗi Viên huynh nơi đây không được ăn mặn.
Chàng lại lấy ba món ăn ở trong rổ ra rồi hai người uống rượu dưới trăng hoa.
Thừa Chí gắp những món ăn đó ăn thử mới hay ba món đó đều là món ăn chay thực, ăn nhậu một hồi, Ôn Thanh lại lấy một ống tiêu ra và nói:
– Để đệ thổi tiêu cho Viên huynh nghe nhé!
Thừa Chí gật đầu, Ôn Thanh liền thổi tiêu cho chàng nghe, chàng không biết âm luật gì cả nhưng chỉ cảm thấy mình đang sống trong cảnh tiên, chứ dưới trần tục làm gì có tình cảnh này.
Ôn Thanh thổi xong khúc tiêu rồi mới cười và hỏi:
– Viên huynh thích nghe khúc nào xin cho hay để đệ thổi cho huynh nghe.
Thừa Chí thở dài một tiếng rồi đáp:
– Ôn huynh thông minh thực và cũng biết nhiều thứ quá.
Ôn Thanh khoái chí hỏi lại:
– Có thực không?
Nói xong, chàng lại cầm ống tiêu lên thổi tiếp một khúc tiêu càng nhu mì và uyển chuyển hơn khúc tiêu trước. Khi thổi xong, Ôn Thanh đặt ống tiêu xuống và khẽ hỏi:
– Thế nào, Viên huynh có nghe được không?
– Trên thế gian này không còn ai có thể thổi được khúc tiêu hay như vậy. Trước kia đệ có nằm mơ và giấc mơ ấy cũng không thể nào bằng được cảnh thực này được.
Thấy Thừa Chí khen ngợi mình như vậy, Ôn Thanh càng khoái chí cười khúc khích. Lúc ấy hai người ngồi gần nhau, Thừa Chí ngửi thấy ngoài mùi thơm của hoa ra lại còn có cả mùi thơm của phấn son nữa, chàng liền nghĩ thầm: “Người này không có ý chí đàn ông gì cả, cũng may ta không phải là con người lẳng lơ, bằng không có phải là bị y chê cười rồi không?”
Ôn Thanh lại nói tiếp:
– Viên huynh có thích đệ thổi tiêu không?
Thừa Chí gật đầu, Ôn Thanh lại đưa tiêu lên thổi tiếp. Thừa Chí đang ngẩn người ra nghe thì đột nhiên thấy thiếng tiêu ngưng hẳn rồi Ôn Thanh bẻ luôn ống tiêu ra làm đôi. Thừa Chí ngạc nhiên vô cùng vội hỏi:
– Sao thế, huynh⬦ đang thổi nhanh như vậy sao bỗng dưng lại bẻ ống tiêu đi?
Ôn Thanh cúi đầu xuống khẽ đáp:
– Từ xưa tới nay đệ không hề thổi tiêu cho ai nghe hết vì họ có biết nghe đâu, họ chỉ thích múa đao múa kiếm thôi.
– Tôi không nói dối Ôn huynh đâu, tôi thích nghe khúc tiêu của Ôn huynh thổi thực đấy mà.
– Ngày mai Viên huynh đã từ giã ra đi rồi, đệ chắc huynh đi khỏi không bao giờ quay trở lại nữa. Thử hỏi tôi biết thổi cho ai nghe?⬦
Ngừng giây lát, chàng lại nói tiếp:
– Tính nết của đệ rất xấu, đệ tự biết lắm nhưng khốn nỗi đệ không sao tự kìm chế nổi. Đệ biết huynh ghét đệ lắm và còn khinh khi đệ là khác.
Thừa Chí không biết trả lời như thế nào cho phải cứ ngẩn người ra nhìn chàng ta.
Một lát sau, Ôn Thanh lại nói tiếp:
– Vì vậy mà đệ chắc huynh không giờ quay trở lại nữa.
– Chắc huynh đã nhận định thấy rồi, sự thực đệ không biết gì cả, đệ là người mới ra đời và cũng không biết nói dối ai hết. Huynh bảo đệ khinh huynh, ghét huynh, nói thực lúc mới gặp đệ có cảm tưởng như thế đấy nhưng bây giờ thì khác hẳn.
– Huynh nói có thực không?
– Theo sự nhận xét của đệ thì hình như huynh có việc gì rất đau lòng cho nên mặt mày không vui mặc dù tư phong đặc biệt hơn người. Việc gì thế, huynh có thể nói cho đệ nghe không?
Ngẫm nghĩ giây lát, Ôn Thanh mới trả lời:
– Đệ có thể kể cho huynh nghe được nhưng chỉ sợ huynh khinh đệ thôi.
– Không.
– Thôi được, đệ xin kể cho huynh nghe. Hồi má đệ còn làm con gái bị một người xấu bụng hà hiếp mới sanh ra đệ, ông ngoại của đệ địch không nổi người xấu bụng đó, sau đi rủ mấy tay hảo thủ đến mới đắc thắng và đuổi người xấu bụng ấy ra khỏi nhà này. Cho nên đệ là một kẻ không cha cũng là một đứa con hoang⬦
Nói tới đó chàng ứa nước mắt ra. Thừa Chí vội an ủi:
– Việc này không thể trách cứ huynh và cũng không thể trách cứ bá mẫu được, chỉ tại người xấu bụng nọ.
– Nhưng người khác lại không có ý nghĩ như huynh, trước nhất đệ họ không dám nói gì nhưng cứ ở sau lưng chửi rủa với bà mẹ.
– Ai dám nói huynh như thế bảo cho đệ biết, đệ sẽ giúp huynh đánh cho tên đó một trận. Bây giờ đệ không ghét huynh đâu, nếu huynh bằng lòng kết bạn với đệ thì đệ sẽ tới đây thăm huynh luôn luôn.
Nghe thấy Thừa Chí nói như vậy, Ôn Thanh mừng rỡ nhảy bắn người lên. Thừa Chí thấy chàng ta mừng như thế liền vừa cười vừa hỏi lại:
– Đệ đến thăm huynh luôn luôn như vậy huynh có bằng lòng không?
– Bằng lòng lắm, và huynh đã hứa tới thì thế nào cũng phải tới nhé?
– Tôi không nói dối huynh đâu.
Bỗng nghe thấy phía sau có tiếng động rất khẽ. Thừa Chí biết có người tới nơi, chàng vội đứng dậy quay người lại liền nghe thấy người đó với giọng lạnh lùng hỏi:
– Đêm khuya canh vắng, hai người lén lút tới đây làm chi?
Người ấy vừa cao vừa gầy chính Ôn Chính, y vừa bước ra, mặt giận dữ hai tay chống nạnh, hỏi một cách rất thiếu lễ phép.
Ôn Thanh giật mình kinh hãi nhưng khi chàng biết người đó là Ôn Chính rồi liền nổi giận quát hỏi:
– Anh đến đây làm chi?
Ôn Chính đáp:
– Hiền đệ hãy tự hỏi mình trước.
Ôn Thanh ra vẻ rất oai nghi nói tiếp:
– Thì với Viên huynh ở đây thưởng nguyệt xem hoa, việc gì tới anh mà anh tới nào? Chốn này ngoài má tôi ra, không ai được tới cả. Ông hai đã tuyên bổ cho cả nhà rồi, chẳng lẽ đại ca đã quên lời rồi hay sao?
Ôn Chính chỉ thẳng vào mặt Thừa Chí và đáp:
– Thế sao y tới được?
– Tôi mời anh ấy tới, việc này không việc gì đến anh, anh không có quyền can thiệp vào.
Thừa Chí thấy hai anh em họ Ôn cãi nhau như vậy trong lòng không yên vội xen lời nói:
– Cuộc thưởng nguyệt hôm nay của chúng ta đã đầy đủ lắm rồi, chúng ta sẽ quay trở ra về phòng nghỉ ngơi đi.
– Tôi cứ không đi, Viên huynh cứ ngồi xuống đây.
Bất đắc dĩ Thừa Chí lại ngồi xuống. Ôn Chính đứng ngẩn người ra không nói nửa lời. Ôn Thanh thấy vậy lại càng tức giận thêm và nói tiếp:
– Những hoa này do tôi trồng, tôi cấm anh ngắm nhìn nó.
Ôn Chính đáp:
– Tôi đã nhìn rồi, cấm sao nổi tôi, tôi còn muốn nó nữa.
Nói xong, y cúi đầu xuống dí mũi vào hít mấy cái, Ôn Thanh cả giận xông lại hai tay vừa nhổ vừa vò những khóm hoa đó, chỉ trong thoáng cái chàng đã nhổ hết hai mươi mấy cụm hoa hồng và vứt bừa bãi rồi khóc lớn nói tiếp:
– Được, anh bắt nạt tôi, tôi nhổ hết những khóm hoa này đi như vậy không ai được ngắm nữa, anh đã bằng lòng thích thú chưa?
Ôn Chính tức giận vô cùng không nói nửa lời liền hậm hực đi luôn, nhưng đi vài bước lại quay đầu lại đáp:
– Người ta đối đãi với mình như vậy, trái lại mình lại đối xử với người ta như thê? Đệ thử nghe xem đệ làm như thế thì còn có lương tâm hay không?
Ôn Thanh vừa khóc vừa trả lời:
– Ai khiến anh tử tế với tôi, nếu cho tôi là cái đại chướng mắt thì anh đi nói với các ông đuổi tôi ra khỏi nơi đây đi, và anh mách cả ông tôi với Viên huynh ở đây thưởng trăng đây. Tôi không sợ gì hết.