Tay buông tay và tim thôi nhớ – Chương 15
Chương 15: Ngón Tay Chỉ Hướng Trái Tim
Sự yêu thích của chúng ta đối với mỗi đầu ngón tay đều không giống nhau.
Có người thích giơ thẳng ngón cái, nhưng họ chưa chắc đã thích hình dáng của nó. Trên thực tế, ngón cái có dáng vẻ không đẹp nhất so với những ngón còn lại.
Ngón trỏ có thể dùng để chọc ghẹo, dùng để chỉ bảo người khác, hoặc giả, dùng để sỉ vả, nhưng nó không phải là ngón dài nhất, nên cũng không đủ xuất chúng.
Ngón giữa vốn dĩ không tồi, nhưng đôi khi nó gây ra những hiểu lầm tai hại.
Ngón út quá bé, không đủ mạnh mẽ.
Có lẽ, ngón tay mà người phụ nữ trân trọng và yêu quý nhất, sẽ chính là ngón áp út.
Chúng ta rưng rưng nước mắt, xúc động nghẹn ngào khi người tình nhẹ nhàng trao nhẫn vào ngón áp út.
Ngoài việc là ngón tay có hình dáng đẹp đẽ nhất ra, có lẽ vì nó còn ẩn chứa một số “nội hàm” thú vị. Nghe nói trong quá trình giải phẫu cơ thể người, những người Ai Cập cổ đại đã phát hiện ra một dây thần kinh cực kỳ nhỏ mảnh, được bắt nguồn từ ngón áp út, và dẫn thẳng tới trái tim. Vì duyên cớ đó, mọi người đều tin rằng đeo nhẫn lên ngón áp út chính là cách để thể hiện tình yêu.
Khi đang yêu, mỗi người phụ nữ đều khao khát rằng một ngày nào đó, sẽ nhận được chiếc nhẫn do người mình yêu trao tặng. Ý nghĩa của nó hoàn toàn khác biệt so với dây chuyền hoặc khuyên tai, thậm chí là bất cứ một loại trang sức nào trên thế gian, bởi nó là thứ duy nhất dẫn nguồn đến thẳm sâu nơi trái tim.
Có lấy anh ấy hay không là một chuyện, nhưng hiện tại ta vẫn muốn được tặng chiếc nhẫn đặc biệt này. Sau đó, đôi ngón tay kết nối với trái tim đó sẽ được đan quyện vào nhau, thay cho lời thề ước.
Phụ nữ vừa yêu, nhưng cũng vừa hận chiếc nhẫn. Trong phim ảnh thường hay xuất hiện cảnh quay kinh điển, một cô gái nước mắt tuôn rơi tháo chiếc nhẫn do kẻ phụ tình trao tặng năm xưa rồi thẳng tay ném xuống biển, các khán giả nữ sau khi xem xong, rất lâu sau vẫn không thể quên.
Phụ nữ có lẽ là một loài sinh vật duy nhất vừa run rẩy mềm yếu, vừa sắt đá kiên quyết khi đối diện với một chiếc nhẫn.
Phải chịu được sự cô quạnh
Nếu có thể chịu được nỗi cô đơn, con người sẽ ít phải chịu những nỗi thống khổ, và ít phải chịu những ê chề bẽ bàng.
Rất nhiều người đau đớn, bởi họ không chịu được nỗi cô quạnh giằng xé tâm can.
Người đàn ông kia chưa chắc đã có điểm gì tốt đẹp, nhưng vì không chịu được sự trống vắng, bạn chấp nhận tình yêu của anh ta, tưởng rằng cứ tìm lấy một người ở cạnh bên cho khuây khỏa, bởi dù sao bạn cũng không yêu anh ta, vậy nên sẽ chẳng thiệt thòi gì. Dần dần, bạn yêu anh ta, còn anh ta đã chẳng còn yêu bạn, khiến bạn phải nhận đủ mọi nỗi đắng cay. Xin đừng hận anh ta, có hận, hãy hận chính mình khi xưa đã không chịu được nỗi cô đơn trống vắng trong lòng.
Vốn dĩ bạn không thích người con gái đó, nhưng vừa mới thất tình, lẻ loi một mình thấy lòng thật hiu quạnh, còn cô ấy lại một lòng si mê bạn, thế là bạn gật đầu chấp nhận. Bạn chưa từng yêu cô ấy, nhưng lại cùng cô ấy sinh hạ một đứa bé, sau đó là đứa thứ hai, rồi bạn cảm thấy đau khổ, vì giờ đây đã không thể vứt bỏ cô ấy và những đứa bé. Đây là lỗi của ai? Là do bạn đã không chịu được nỗi cô đơn, và đã tự mình tạo ra một gia đình không như mong muốn.
Nỗi cô đơn sẽ khiến ta làm sai nhiều việc.
Bạn đã từng rạng ngời ánh hào quang, khi nhan sắc qua đi và chịu an phận sống trong những ngày tháng nho nhã nhẹ nhàng, mọi người vẫn sẽ nhớ về bạn. Thế nhưng, nỗi cô đơn khiến bạn chếnh choáng hụt hẫng, khiến bạn muốn tìm về nhan sắc xưa một lần nữa. Nhưng thời thế đâu chiều lòng người, kết cục luôn thật bẽ bàng và tủi hổ.
Bạn đã từng là một thần thoại, nhưng thời đại qua đi, lòng người biến chuyển, bạn vẫn muốn xông ra tranh giành từng giây từng phút phù du ảo mộng với kẻ khác, nhưng lại không được những người mới tôn trọng, bạn cảm thấy rất đau khổ, thậm chí hoài nghi chính mình. Những điều này xảy ra, đều vì bạn không chịu được nỗi cô đơn.
Cô đơn, vốn cũng là một loại phẩm giá, là một trong những bài học để yêu thương bản thân, chúng ta cần học cách một mình đối mặt với nó.
Bụng của anh, chỉ dành ủ ấm đôi chân em
Sáng thức giấc, bên ngoài trời đã chuyển lạnh.
Trước đây khá lâu, tôi từng viết một bài văn, không ngờ đến giờ vẫn có độc giả ghi nhớ. Bài văn ấy viết rằng, đàn ông là một chiếc lò ấm áp, trong những ngày đông giá rét, phụ nữ có thể dụi đôi chân lạnh cóng của mình vào bụng họ để sưởi ấm.
Những lúc đó, đương nhiên anh ấy sẽ phản kháng, nhưng chỉ cần bạn dùng cả hai tay và hai chân “kiên trì bám trụ trận địa”, “mặt dầy mè nheo” và “táng tận lương tâm” một chút, quyết không rút lại đôi chân lạnh cóng kia của mình, vậy thì rất nhanh thôi, anh ấy sẽ đành phải buông xuôi, thở dài chấp nhận sự “đen đủi” ấy.
Nếu như một người đàn ông ngay cả đến hành động ấm áp này cũng không chịu làm cho bạn, vậy anh ta chẳng có tư cách gì để nằm bên cạnh bạn.
Một ngày đông năm nọ, có cô gái từng kể với tôi rằng, chiếc lò ấm áp đã rời bỏ cô ấy. Nước mắt tuôn rơi như thác đổ, cô không biết làm thế nào để trải qua mùa đông trước mắt.
Tôi đã nói với cô ấy những gì nhỉ? Tôi cũng không nhớ có phải đã khuyên cô ấy mua một chú cún bông xù để tạm thời giúp sưởi ấm chăn gối hay không.
Đôi bàn chân của đàn ông, tại sao không cảm thấy lạnh?
Tại sao bụng của đàn ông, dường như lúc nào cũng đang chờ đợi đôi chân nhỏ bé của người phụ nữ nằm cạnh? Cũng tựa như đùi của anh chỉ để dành cho ta ngồi lên, vòm ngực của anh là để cho ta áp mặt, ngủ vùi yên lành.
Khi bạn yêu một người đàn ông, tại sao mái tóc làn da của anh, chân tay của anh, cái ôm của anh dường như chỉ chờ đợi một mình bạn? Cũng tựa như nụ cười của bạn, chỉ rạng ngời khi nhìn thấy anh ấy.
Bạn có thể đặt chân lên bụng anh mà hoàn toàn không thấy phiền muộn.
Bạn góp nhặt niềm hạnh phúc giữa đêm tối trên bụng của anh, đặt dấu chân tinh nghịch của mình lên nơi ấy.
Tại sao dù phải mang trong mình những tổn thương vụn vỡ, chúng ta vẫn cứ yêu một người?
Tại sao dù biết rõ bản thân không còn cần đến tình yêu, cũng chẳng còn tin tưởng ái tình, nhưng sau cuối vẫn say đắm một người, ước muốn được ở bên anh đến cuối cuộc đời?
Phải chăng vì chúng ta sớm đã biết, bản thân chẳng thể nào đặt đôi chân lên bụng của chính mình?