Thế giới vượt 85 triệu ca bệnh; Các nước tiếp tục siết chặt phòng dịch

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 469.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.900 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 85 triệu ca, trong đó trên 1,85 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 161.000 ca), Anh (54.990 ca) và Nga (24.150 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.307 ca), Nga (504 ca) và Anh (454 ca).

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngày 3/1, nhiều quốc gia tiếp tục siết chặt các biện pháp chống dịch khi số ca mắc mới tăng vọt.

Tính tới 6h sáng 4/1 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận trên 161.000 ca mắc mới. Trước đó, ngày 2/1, Mỹ đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày, với hơn 277.000 bệnh nhân mới.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới, với trên 21 triệu trường hợp mắc bệnh và gần 360.000 trường hợp tử vong.

Số các ca nhiễm mới tại Mỹ đã gia tăng trong những tháng gần đây, trong bối cảnh chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của nước này – ông Anthony Fauci cảnh báo rằng “thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch vẫn chưa đến” và Mỹ sẽ đạt “đỉnh nguy kịch” khi những chuyến du lịch nghỉ lễ cuối năm 2020 sẽ khiến virus lây lan nhanh chóng.

Theo giới quan sát, Mỹ đang tỏ ra lúng túng trong nỗ lực dập dịch COVID-19, khi những kế hoạch tiêm chủng gặp trở ngại do những vấn đề hậu cần và các bệnh viện quá tải. Hiện hơn 4,2 triệu người ở Mỹ đã được tiêm mũi thứ nhất của vaccine ngừa COVID-19 trong tổng số 13 triệu liều được phân phối tới nước này. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn ở rất xa so với mục tiêu 20 liều vaccine mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cam kết hồi cuối năm 2020.

Theo thống kê trên trang www.ourworldata.org, mặc dù Mỹ đã đặt mua vaccine với số lượng rất lớn, nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại nước này vẫn rất thấp, chỉ đạt 0,84%.

Na Uy áp đặt các hạn chế mới

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết sẽ áp đặt các hạn chế mới để ngăn chặn sự đại dịch COVID-19 bùng phát lại, như lệnh cấm bán rượu trong nhà hàng và quán bar trên toàn quốc và người dân không được mời khách đến nhà. Người dân Na Uy cũng phải dừng các tiếp xúc xã hội trong vòng 2 tuần tới. Các trường đại học sẽ đóng cửa đến 18/1.

Số ca mắc COVID-19 tại Na Uy đã gia tăng trong tháng qua và hiện trung bình 1 người bệnh lây nhiễm cho 1,3 người khác. Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Solberg đánh giá có nhiều dấu hiệu hơn về một làn sóng lây nhiễm mới, do dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới, cũng như sự xuất hiện của biến thể dễ lây lan hơn lần đầu tiên được xác định ở Anh.

Từ hôm 31/12/2020, Oslo đã bắt buộc tất cả những người nhập cảnh Na Uy phải xét nghiệm ngay khi tới nước này hoặc trong vòng 24 giờ để ngăn chặn sự lây lan của biến thể COVID-19 được phát hiện đầu tiên ở Anh. Các cửa khẩu biên giới nhỏ cũng bị đóng do không đủ khả năng lập trung tâm xét nghiệm. Quân đội cũng được tăng cường để kiểm soát khu vực biên giới với Phần Lan ở Bắc Cực.

Thủ tướng Anh khuyến khích học sinh đi học

Ngày 3/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định các trường học là môi trường an toàn và khuyến khích trẻ tiếp tục đến trường tại những khu vực cho phép điều này. Tuyên bố được đưa ra nhằm xoa dịu những lo ngại số ca mắc bệnh COVID-19 gia tăng khi các lớp học dự kiến được mở cửa trở lại sau kỳ lễ Giáng sinh.

Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn rằng các trường học đều an toàn và giáo dục là một ưu tiên”. Ông cho biết thêm chính phủ có thể cân nhắc siết chặt những biện pháp hạn chế để phòng dịch, nhưng không nêu cụ thể các biện pháp này.

Nhà lãnh đạo Anh cũng cho biết trong ngày 4/1, nước này sẽ nhận 530.000 liều vaccine phòng bệnh COVID-19 của Oxford/AstraZeneca. Ông bày tỏ hy vọng trong 3 tháng tới, hàng chục triệu người dân Anh sẽ được chủng ngừa.