Trò chơi lâu đài tình ái
Với tôi, cuộc sống đẹp là khi ta sống mà có điều gì đó để hy vọng, trông mong. Những niềm tin trong trẻo như viên pha lê màu nước biển, tôi chưa bao giờ làm mất.
Một buổi chiều của mùa hè năm tôi học lớp bốn, những dải nắng còn vắt vẻo trên những cành thông già trong khu rừng ven biển như hàng trăm tấm vải lụa phất phơ. Gió rất nhiều, nhưng chẳng đủ để thổi bay những dải vải nhiều màu ấy. Trông chúng mềm mại và nhẹ vô cùng thế mà chừng ấy gió cũng chẳng làm chúng mảy may run rẩy. Bờ cát mịn trải dài lấp lánh, như hàng triệu triệu mảnh hạt trai người ta giã vụn rồi rải rắc khắp bờ biển. Mặt biển với những con sóng màu xanh diệp, chan hòa nắng. Tôi và cậu bạn thân chí cốt chơi ở bờ biển.
Cậu ấy tên là Lam. Ba mẹ tôi xem Lam như con trai và ba mẹ Lam xem tôi như con gái. Chắc bởi chúng tôi là những đứa con duy nhất trong nhà. Họ cắt tóc cho chúng tôi giống nhau, tất cả những năm tiểu học tóc tôi luôn ngắn không đến gáy. Lam có mái tóc đen nhánh, đôi mắt to và thẳm sâu, mênh mông như mặt biển vào đêm không trăng sáng.
Năm chúng tôi học lớp bảy, không còn quá bé nhỏ để chơi mấy trò vặt vãnh như xúc hàng đống cát đổ vào những cái lỗ bé xíu của lũ ốc, ấy thế mà chẳng bao giờ đầy, cứ đổ đầy rồi nó lại lõm đi vì nước. Từ hồi đi học cấp hai, tôi và Lam mỗi đứa đều được sắm cho một chiếc xe đạp. Chiếc xe của tôi màu vàng, và của Lam màu đỏ. Trên vô lăng mỗi chiếc xe đều treo một chiếc vỏ ốc nhỏ xíu mà hai đứa có lần nhặt được ở bờ biển. Tiếng vỏ ốc đập nhẹ vào xe mỗi khi chạy, âm thanh vui tai làm tôi thích lắm. Còn Lam, chẳng biết cậu ta có thích hay không, cậu ấy rất ít khi nói về cảm giác của mình. Hình như muốn đoán được cảm xúc của Lam, cách duy nhất là nhìn vào đôi mắt có những nét đặc biệt và rất đẹp của cậu ấy.
Hàng ngày, tôi và Lam đi học cùng nhau. Chúng tôi vẫn vẽ tranh vào những ngày rảnh rỗi. Cả hai thường cố tìm ra một đề tài rồi cùng vẽ về nó. Có đôi lúc, chúng tôi cùng chung ý tưởng và tạo ra hai bức tranh gần giống nhau. Mỗi khi vẽ, Lam như dồn tất cả tâm trạng của mình vào bức tranh, khuôn mặt cậu lúc đó lạnh lùng và hầu như không một chút cảm xúc, cho tới lúc bức tranh được vẽ xong. Còn tôi vừa vẽ, vừa hát. Lam nói tôi có giọng hát trong như tiếng chim hót vào lúc chiều tà. Có lúc tôi thắc mắc hỏi tại sao, Lam cười và bảo “chỉ là vì Lam thích buổi chiều”.
Đường đi học là con đường mòn chạy ven rừng thông ven biển. Mỗi lần đi học về, tôi cảm giác con đường thật ngắn. Là vì tôi thích được đạp xe trong những buổi chiều đầy gió, hương lá thông nồng lên phả ra từ khu rừng, quyện lẫn mùi nước biển gây cảm giác gì đó rất đượm đầy, tôi thích nghếch cái mũi lên hít thật lâu những mùi ấy. Nhiều lần, gần đạp xe về tới nhà, tôi rủ Lam chạy thêm một đoạn đường dài nữa rồi hãy quay về. Lam mỉm cười, im lặng đạp theo. Từ lúc lớn lên một chút, Lam ít nói hơn, nhưng hào phóng hơn ở nụ cười. Nụ cười của Lam đẹp, nó mê hoặc tất cả những ánh mắt nào chạm tới nó.
Hôm nay là chủ nhật, sáng Lam đến nhà tôi. Thấy Lam đến, mẹ gọi tôi “Lam đến kìa con”.
Có vẻ ông trời đang còn vấn vương trận mưa đêm, nên chưa vội buông nắng. Bãi cát bị gió thổi hong khô một vài chỗ, đâu đó vẫn còn những vũng nước nho nhỏ và những viên cát bị nước làm đóng thành cục nằm lăn lóc. Rủ tôi ra biển, Lam lấy ra hai cây xẻng nhựa nhỏ xíu một chiếc màu đỏ và một chiếc màu xanh dương giơ ra trước mặt tôi. Hai chiếc xẻng xúc cát là trò chơi của hai đứa từ hồi còn bé. Cũng chẳng biết tự bao giờ, chúng được xếp gọn gàng trong chiếc hộp đựng những thứ đồ chơi đã cũ của Lam. Tôi reo lên như được gặp lại con búp bê xinh đẹp lâu ngày bị lạc mất”Ôi, sao cậu có thể giữ được chúng tới tận giờ thế. Thế mà tớ cứ tưởng đã bị mất nó từ lâu lắm rồi ấy”. Lam nháy mắt và ném cho tôi chiếc màu đỏ “hôm nay bọn mình xây lâu đài cát nhé”, Lam nói và vẫy tôi theo cậu ta ra chỗ gần nước.
Lam bắt đầu xúc những xẻng cát đắp thành một ụ lớn. Tôi phụ vào và cả hai bắt đầu hí hoáy xây thành chiếc lâu đài có rất nhiều cửa nhỏ.
Khi ánh mặt trời bắt đầu le lói những tia sáng yếu ớt xuyên qua những đám mây còn nặng trĩu những nước, chiếc lâu đài cát đã xong. Lam chạy một mạch vào trong khu rừng và đem ra chừng ba bốn quả thông đã rã thành từng cánh nhỏ. Lam đặt chúng cẩn thận lên lâu đài cát. Lam nói “đó là những món đồ trang trí đẹp nhất mà Lam nghĩ đến cho những ngôi nhà ven biển”. Ngày hôm đó có cái gì đó rất lạ ở Lam, tôi nhận thấy vậy. Lam cười nhiều hơn, có những lúc nụ cười bật thành tiếng, điều mà trước giờ rất ít thấy ở Lam. Mà lạ nhất là lâu lắm rồi Lam lại rủ tôi chơi cái trò xây lâu đài cát.
Nắng đã choàng một lớp mỏng lên mặt biển xanh ngút mắt. Màu xanh ấy chẳng hề mất đi mà bắt gặp những hạt nắng, nó lóng lên tựa hồ như đang reo vui, những cái cười của sóng lung linh, lấp lánh diệu kỳ. Chúng tôi đã xong xuôi công việc và ngồi xem thành quả của mình. Dáng vẻ trầm ngâm một lúc, rồi Lam nói: “Sa, ngày mai gia đình tớ sẽ đi Mỹ đấy. Bố mẹ tớ nói sẽ định cư ở đó luôn”.
Có chút bất ngờ, và hụt hẫng, tôi thấy buồn. Giữa chúng tôi, từ hồi thơ trẻ, nỗi buồn nào cũng có thể tan biến. Thế nhưng bây giờ, có một cái gì đó thật nặng trĩu và khi đó tôi cảm nhận sẽ là một nỗi buồn rất dài, rất dài. Tôi nhìn thấy ở trước mặt biển đã chói chang những nắng, đường chân trời như được ai vẽ tạo nên một vệt rất thẳng phân tách nước và trời. Nước Mỹ trong tâm trí tôi lúc đó là một nơi xa xôi lắm. Có lẽ nó nằm ở phía bên kia của biển. Và Lam như con chim hải âu kia bay mãi và mất hút nơi chân trời ấy.
“Cậu đi lâu chứ?” tôi khẽ khàng hỏi.
“Tớ không biết nữa”, Lam nói, những đầu ngón tay vẫn chạm nhẹ vào những cạnh của tòa lâu đài nhỏ. Như để chấn tĩnh và vì thấy vẻ mặt lo lắng của tôi, Lam nói tiếp, “nhưng nhất định tớ sẽ về gặp lại cậu, dù thế nào đi nữa… tớ hứa”.
Tôi im lặng, và lặng lẽ ghi nhớ tất cả những gì Lam nói trong lúc này. Chẳng biết có phải chỉ là Lam đang yên ủi tôi, nhưng tôi biết, khi nói, Lam tỏ vẻ rất cương quyết.
Sáng mai, tôi thức dậy trễ. Một đêm trằn trọc với những giấc mơ về chiếc máy bay lạ, Lam ở trên đó, nó đã chở Lam đi dần về phía chân trời. Chạy một mạch qua nhà Lam, trên con đường từ nhà Lam hai bên là hàng cây thẳng đều tăm tắp, tôi chỉ kịp nhìn thấy chiếc xe ô tô nhà Lam đang chạy xa dần.
Học xong lớp mười hai, tôi thi đậu vào đại học Kiến trúc. Tạm biệt thị trấn có những ngôi nhà nhỏ ở bờ biển, tạm biệt rừng thông với những buổi ngồi tập vẽ hàng giờ ven rừng, tôi lên thành phố nhập học.
Hôm trước ngày lên đường, tôi dọn dẹp lại căn phòng. Những bức tranh khổ lớn được xếp cẩn thận một bên tường. Tôi vẽ rất nhiều bức về biển với bầu trời trong vắt và những làn mây trắng, những ngôi nhà màu trắng thơ mộng trong gió, núp mình dưới những hàng cây. Có bức tôi vẽ những quả thông đang nằm chơ vơ trên cát hoặc những vỏ ốc, vỏ sò xinh đẹp đang nằm vùi một phần ở bờ cát. Những bức tranh vẽ tượng và tĩnh vật. Tranh vẽ về những danh nhân tôi yêu thích. Và nhiều nữa. Tôi nhận ra, tôi đã vẽ rất nhiều. Tìm thấy bức tranh vẽ chiếc lâu đài cát trong một góc, bức tranh có hai chiếc xẻng màu đỏ và xanh dương bên cạnh chiếc lâu đài, có hai đứa bé với một vài quả thông, tôi vẽ nó khá lâu rồi. Nhìn nó một lúc lâu. Tôi đặt tên nó là “lâu đài cát” và treo nó lên trước bàn học.
Ba tôi thường đóng cho tôi những khung tranh gỗ rất đẹp. Ba treo tranh của tôi bất cứ chỗ nào trong nhà có thể, nhưng tất nhiên là một cách có nghệ thuật và thẩm mỹ. Tính ba trầm lặng, ba thường ngồi đọc sách hàng giờ ở bên cửa sổ mỗi cuối tuần ở nhà. Với tôi, ba là người bạn lớn, ba luôn làm đầy tâm hồn con gái bằng những lần nói chuyện về âm nhạc và những bức tranh. Nếu không phải là ba, tôi không biết ai có thể lấp đầy khoảng trống trong tôi khi Lam ra đi.
Tôi đi học, thành phố không xa thị trấn nơi tôi ở là mấy. Vì thế tôi vẫn thường về thăm nhà mỗi khi được nghỉ.
Duy – cái tên con trai hay cười, bạn học cùng lớp đại học với tôi – tính tình phóng khoáng và rất ga lăng với các bạn nữ, chẳng hiểu sao tôi và Duy lại thân với nhau hơn cả. Cũng giống như lẽ tự nhiên là thế, những người bạn tốt sẽ ở bên nhau trong những đoạn đường nào đó của cuộc đời. Và, tôi và Duy thân với nhau, cũng tự nhiên, như cái cách mà Lam và tôi chơi với nhau hồi còn bé. Duy hay chọc tôi cười, mỗi lần bị chọc cười, trong đôi mắt trầm buồn của tôi lại ánh lên những tia sáng lấp lánh. Duy có tài làm cho người khác cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi ở gần cậu ấy. Hai đứa thường rủ nhau đi vẽ bài. Nhiều lúc ngồi hàng giờ dưới gốc cây để vẽ những ngôi nhà thờ cổ. Ngoài việc vẽ những bài tập, tôi thường vẽ tranh những lúc rảnh rỗi. Tôi thích vẽ biển và bầu trời, có lúc chỉ bằng trí nhớ và trí tưởng tượng của mình, dường như với tôi, biển là một phần của những ký ức tuổi thơ mà bất chợt lúc nào cũng có thể hiện về trong tâm trí. Những bức tranh sẽ giúp tôi gìn giữ tốt hơn chúng, tôi nghĩ vậy.
Có lần ngồi trong công viên với toàn cây và hai bên là con đường đầy xe cộ, tôi vẽ một bức có thuyền và biển. Con thuyền lên đênh trên những lớp sóng đang sắp dậy. Biển được bao trùm bởi một bầu trời có rất nhiều những cuộn mây trắng xốp. Duy chăm chú nhìn bức tranh tôi vừa vẽ “tại sao Sa vẽ biển trong khi xung quanh chỉ toàn cây?” Duy mở to mắt nhìn bức tranh, rồi lại nhìn tôi. Tôi nói”Sa thích vậy”. “Chỉ đơn giản là thích thôi sao?”. “Ừ, đó là những bức tranh Sa lưu trong ký ức, thi thoảng lại lôi nó ra và vẽ lại”.
Duy cho tôi biết quê Duy không có biển, và từ bé Duy chưa từng một lần ra biển. Những ai chưa từng được ngập trong những cơn gió mang đầy hơi nước của biển, được nghe tiếng sóng gầm lên mỗi lúc nước lên thì hẳn coi như người đó chưa hiểu hết về biển. Và biển với họ cũng chỉ là một bức tranh dẫu được diễn tả điệu nghệ và chi tiết, thì cũng chỉ thấy những màu sắc mà không hề cảm nhận được có âm thanh phát ra từ nó. Nhưng Duy nói “nhìn những bức tranh của Sa, Duy cảm nhận được tiếng gió và tiếng sóng, nó không quá ồn ào”.
Năm bốn, đám bạn của tôi về quê tôi chơi vào kỳ nghỉ dài ngày. Mới sáng sớm, mấy đứa đã rủ nhau đi ngắm bình minh ở biển. Chiều đến, cả bọn đi tắm biển. Tôi một mình đi dọc con đường mòn quen thuộc, bao nhiêu những kỷ niệm ấu thơ ùa về trong tâm trí. Đã bao lâu rồi nhỉ, sao Lam còn chưa quay về? Dù chỉ là về lại và thăm bãi biển này một lần. Tôi nhớ biết bao cậu bạn thân đã cùng tôi lớn lên nơi cánh rừng này. Nhớ nụ cười rõ tươi của Lam, mỗi lần tôi buồn chuyện gì mà nhìn Lam cười, tôi như tìm lại được niềm vui ngay tức thì. Mùi đất, mùi lá thông, mùi những cây dại mọc quanh những gốc thông già, tất cả đều làm tôi ngập trong một vùng ký ức và những kỷ niệm chẳng thể gọi thành tên. Những cây thông đã già hơn, cao hơn rất nhiều.
Chiều dần buông, ngoài biển vẫn còn những luồng sáng của ánh mặt trời đã chìm dần xuống chân trời phía tây. Trên nền trời xanh là những vệt nắng lớn màu tím. Bỗng dưng thấy Duy đang nghêu ngao hát trên chiếc xe đạp, “chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào…”. Chẳng biết cậu ta kiếm đâu ra chiếc xe nữa, cũng có thể hắn mượn đâu đó của những cậu thanh niên đang chơi ở bãi biển. Một đứa rất dễ lấy lòng người khác bởi cái tính khí vui vẻ, cộng với ánh mắt ấm trông rất thật thà và đáng tin, và cả cái tài ăn nói nữa thì việc kết bạn với Duy chẳng khó khăn là mấy.
“Này cô gái của biển, có cần tôi chở dạo chơi khắp rừng không?”
Tôi cười, rồi cũng ngồi lên xe. Chiếc xe đạp chầm chậm đi trên con đường mòn. Tôi nhớ, hồi đó hai đứa đi học bằng hai chiếc xe, và chưa bao giờ tôi ngồi sau xe Lam cả. Những chiếc lá thông được vài tia nắng cuối cùng chiếu vào sáng lên óng ánh. Gió luồn vào cây, những tán cây lúc phần phật, lúc lại chỉ rung rinh khẽ xao động. Sau khi hát xong, Duy im lặng, tôi cũng vậy.
“Có lẽ, tôi hiểu cô bạn bé nhỏ này, cô ấy cần chút thời gian cho những kỷ niệm xinh đẹp của mình. Đã lâu rồi, kể từ ngày tôi gặp Sa, đôi mắt đượm buồn, khuôn mặt trắng xinh trong lành như bầu trời mùa hạ, dù cô bạn hay cười và hòa đồng, nhưng trong ánh mắt ấy có thể cảm thấy được một góc trống trải. Khi Sa kể cho tôi nghe về tuổi thơ của mình, về cậu bạn thân, và khoảng trống quá lớn của Sa khi cậu ấy đi mất. Tôi chỉ muốn, mình có thể thay thế cậu bé ấy”.
Nhóm về lại thành phố, trên bãi biển, có năm cô cậu để chân trần bước dọc theo bờ biển thật lâu. Tôi đưa mắt nhìn về phía chân trời, lúc này trời đã về chiều, những đám mây lớn xếp chồng chất trên nền trời màu xám, những con chim hải âu lơ đãng bay.
Vào ngày nghỉ lễ giáng sinh cuối cùng của những năm học đại học, khoa chúng tôi tổ chức một buổi dạ tiệc. Buổi tiệc hôm đó, ai cũng chọn cho mình một bộ cánh đẹp nhất. Các cô gái trong lớp tôi trông rực rỡ xinh đẹp hẳn.
Buổi đó, tôi đồng ý đi cùng Duy đến tiệc khiêu vũ với tư cách là bạn nhảy, chỉ bởi Duy nài nỉ quá, mà trong nhóm cũng chỉ có tôi và Duy biết khiêu vũ. Tôi mặc chiếc váy dài màu xanh da trời nhạt, tóc xõa ngang vai. Từ năm lớp tám tôi đã để tóc dài. Còn Duy, hôm nay trông cậu ta lịch lãm khác hẳn với mọi ngày thì mái tóc như chẳng bao giờ được chải. Mọi người cứ nghĩ chúng tôi là một cặp. Thế nhưng thực ra cả Duy và tôi đều biết rằng, chúng tôi chỉ là bạn.
Buổi tiệc tan trong bản The down of your smile nhẹ nhàng. Bất chợt Duy nhìn tôi như muốn nói gì. Nhưng rồi lại thấy cậu ta lúng túng, rồi thôi.
Duy đưa tôi về lại ký túc. Đường từ trường về ký túc không quá xa. Hôm đó trời có rất nhiều sao, và ánh trăng sáng. Dãy tường dài trồng hoa sử quân tử đã nở. Những cánh hoa màu hồng phớt nhỏ li ti dịu dàng dưới ánh trăng sáng. Tôi mải miết ngắm chúng và quên cả việc có Duy đang đi bên cạnh. Tự nhiên Duy nói, phá tan những tiếng động bí ẩn của đêm.
“Này Sa, nếu những áng mây không có bầu trời, mây sẽ trôi về đâu nhỉ?”. Tôi quay sang thì thấy Duy đang trong điệu bộ lãng tử, hai bàn tay đan vào nhau và đưa ra sau gáy. Anh chàng đang đưa mắt nhìn lên bầu trời đầy sao sáng, có một vài tảng mây lớn đang chầm chậm trôi nuốt chửng lấy mặt trăng sắp tròn. “Chắc có thể, mây sẽ chỉ ở mãi đó và chờ đợi bầu trời đến để mây được bay đi…” tôi trả lời nhưng mắt vẫn nhìn vào những khóm hoa trên tường. “Nhưng nếu đám mây kia tan biến đi trước khi bầu trời đến, thì hẳn sẽ buồn nhỉ”. Không biết là tại sao tự nhiên Duy lại nói với tôi những điều đó. Có cái gì đó Duy muốn tôi hiểu. Ban đầu khi Duy nói tôi cũng không quan tâm lắm vì tính Duy là thế, cậu ta sẽ chẳng chịu nổi sự lặng im được lâu. Và sẽ phải lại cố tìm cho ra cái gì đó để bắt đầu cuộc trò chuyện. Ngập ngừng một chút, Duy nói với tôi bằng giọng trầm trầm “nếu Duy nói, Duy muốn là bầu trời của mây, để mây đừng cô đơn, đừng tan biến… mây là Sa đó. Sa có muốn như vậy không?”.
Tôi im lặng. Có những lúc, sự im lặng làm cho người ta cảm giác bất an. Nhưng với Duy, khi tôi im lặng, là lúc Duy biết tôi thật sự cô đơn, và cậu ấy sẽ trở nên thật lúng túng chẳng biết làm gì ngoài chờ đợi thời gian trôi qua rồi lại cố làm tôi vui vẻ. Có những sự cô đơn được thể hiện rõ ràng, là khi họ một mình. Nhưng cũng có những cái gọi là cô đơn thật sự, khi mà ở bên họ có quá nhiều người, ấy thế mà họ vẫn thấy thiếu vắng điều gì đó. Nếu là ở trên lớp, Duy hay chọc cho tôi cười, những nụ cười có thể làm cho nỗi buồn cũng trở nên thật dễ thương. Tôi chưa từng nghĩ rằng tôi có thể quên đi lời hứa của Lam. Lâu đài cát và những quả thông lại hiện về trong tâm trí. Nhìn Duy với ánh mắt thẳng thắn, tôi nói: “Sa đã có bầu trời cho riêng mình rồi”. Rồi chào Duy tôi đi về phía ký túc xá nữ.
Sau này Duy không nói gì tới chuyện đó nữa, nhưng vẫn luôn đồng hành cùng tôi như một người bạn thân nhất.
Những năm học đại học cũng qua đi nhanh chóng. Duy và tôi đều được nhận vào làm tại hai công ty kiến trúc ở thành phố. Ngày tạm biệt tôi, Duy tặng cho tôi bức tranh nhỏ vẽ mặt biển có màu xanh nhạt, bầu trời và những đám mây trắng như tuyết, bức tranh đầu tiên Duy vẽ về biển mà tôi được biết, đằng sau bức tranh, Duy ghi dòng chữ “Biển”.
Tôi treo bức tranh Duy tặng trong một góc phòng, bên cạnh bức “Lâu đài cát”…
Ngồi ở chiếc bàn học cũ, chiếc bàn màu trắng mẹ luôn giữ gìn sạch sẽ khi tôi không có ở nhà. Tôi lấy cuốn sổ tay nhỏ ở trong có ép một vài cánh hoa khô và vài chiếc lá khô nhỏ, chép vào đó những dòng này bên cửa sổ đầy gió:
Hãy cho ta một lần làm ngọn gió
muôn trùng khơi chẳng mệt mỏi bao giờ
dưới bầu trời cùng hải âu du đãng
cùng áng mây nhẹ mỗi bình minh
trên con thuyền lướt sóng nhẹ tênh
giữa biển trời, bao la,
và thiên đường mây trắng…
Tôi để gọn vào một ngăn tủ. Ngày mai tôi sẽ trở lại thành phố để bắt đầu công việc mới. Với tôi, cuộc sống đẹp là khi ta sống mà có điều gì đó để hy vọng, trông mong. Những niềm tin trong trẻo như viên pha lê màu nước biển, tôi chưa bao giờ làm mất.
Những buổi chiều, tôi thường đạp xe dọc theo bờ sông Hudson, con sông xinh đẹp chảy qua thành phố New York. Hoàng hôn lấp loáng những vệt tím trên bầu trời và dưới lòng sông thơ mộng. Tôi nhớ tới ba mẹ, và nhớ về miền ký ức tuổi thơ với cô bạn thân. Ba mẹ tôi mất trong một vụ tai nạn ô tô khi tôi đang học năm cuối ở trường trung học. Tôi chuyển đến sống cùng gia đình dì. Dì giúp tôi mạnh mẽ vượt qua những mất mát ấy. Còn Sa – cô bạn bé nhỏ, chẳng hiểu sao trong tôi vẫn tin rằng, cô ấy vẫn chờ tôi quay về.
Nhận được tấm bằng kiến trúc sư, tôi nhận lời về Việt Nam làm việc cho một công ty kiến trúc tại Đà Nẵng. Và bởi, tôi cần giữ lời hứa với cô bạn của mình. Chuyến bay cất cánh trong một buổi chiều mùa hè. Tôi lâng lâng vui.
Một buổi sáng đầu thu, khi sương vẫn còn phảng phất xung quanh những luống hoa mặt trời. Sương tràn từ mặt biển còn lấm lem những màu đen của tối, quấn lấy những ngọn thông. Tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm ngắm bình minh mỗi sáng được về thăm nhà. Bất chợt, tôi nhìn thấy có một người đang đứng xa xa, hình như anh ta đang ngắm bình minh. Tới gần hơn chỗ người lạ, tôi nhận ra những điều quen thuộc. “Phải chăng là Lam?”
Tôi chạy thật nhanh ra phía biển, những ngọn tóc dài quấn vào nhau, rồi lại bị gió thổi tung. Một vài sợi tóc hơi ướt và dính lại bởi những giọt nước mắt gió tạt vào tự bao giờ. Tôi tần ngần đứng lại. Tôi thấy một chàng trai đang đứng bên tòa lâu đài cát, cạnh đó là chiếc xẻng xúc đất màu xanh nhỏ xíu. Trên chiếc tháp cao nhất của lâu đài cát, có một quả thông màu nâu, vỏ đã rã ra gần hết. Chàng trai mặc quần jean xanh đậm, chiếc áo phông sọc đỏ, tóc bay lất phất trong gió. Chàng trai đứng đó, đang nhìn ra phía biển, như ngắm bình minh. Ngoảnh đầu lại và nhìn về phía tôi, chàng trai đó mỉm cười, nụ cười vẫn tươi, vẫn chói chang nắng như ngày nào.
Mặt trời nhô lên một miếng màu nghệ, mỏng mảnh. Những tia nắng nhọn hoắt đâm xuyên vào mây, vút lên khoảng trời có những mảng sương dày đen đặc, làm rực lên một khoảng trời xanh trong vắt, không gợn chút sương mờ.
Xem thêm: Có thể như là yêu